#5: Từ-trên-xuống và Từ-dưới-lên

#5: Từ-trên-xuống và Từ-dưới-lên

Tầm hai tuần trước, tôi và một em nhỏ hơn trao đổi về cách chúng ta làm việc và tiếp nhận thông tin. Là một người học giỏi, kỹ tính, làm kỹ thuật (và chỉ muốn làm kỹ thuật), em cũng gặp vấn đề là: Không hiểu sao mình làm rất nhiều, đọc rất nhiều, ghi chép rất nhiều nhưng cảm giác không hiệu quả.

Nói chuyện sâu hơn một chút, chúng tôi (tạm) đồng ý với nhau rằng: Em bị kẹt vào chi tiết, đào quá sâu, thì cũng sẽ chính vì vậy không đi tiếp được qua bước tiếp theo. Vấn đề là: Câu trả lời cho thắc mắc của em phần này, nó rất có thể nằm ở phần tiếp theo.

Việc mắc kẹt trong chi tiết, rốt cuộc sẽ đẩy ta vào một trong hai tình cảnh:

  • Hết thời gian mà không hoàn tất được công việc một cách tròn trịa
  • Tự làm cho mình sập nguồn vì quá stress, hoặc là quá đuối

Có hai cách để quan sát và tiếp nhận vấn đề: Từ-trên-xuốngTừ-dưới-lên.

  • Từ-trên-xuống (Top-down): Như tên gọi, là thay vì nhìn chăm chú vào một vài điểm của bức tranh, bạn lùi lại và nhìn toàn bộ bố cục, như vậy bạn hiểu bức tranh nói về điều gì, và có những cấu phần gì.
  • Từ-dưới-lên (Bottom-up): Thì ngược lại, bạn nhìn chăm chú từng chi tiết, hết chi tiết này sang chi tiết kia, và cuối cùng bạn nhận ra toàn bộ bức tranh.

Cách nhìn nào thì gần hơn với sự thật?

Cả hai cách, và cũng không cách nào (đơn lẻ) cả.

Cách nhìn Từ-trên-xuống giúp bạn nắm bắt rất nhanh một vấn đề mới, hiểu ra quy luật chung. Nhưng, không thể đi quá sâu vào chi tiết nào, bạn có thể vanh vách bức tranh nói về điều gì, nhưng lại không rõ về sự đặc biệt, vốn không ở tổng thể mà nằm ở cục bộ, chỉ thấy được khi nhìn vào chi tiết.

Nhưng cách tiếp cận Từ-dưới-lên cũng chẳng gần hơn. Cách tiếp cận này không đủ nhanh để “tiêu thụ” đủ nhiều chi tiết và đúc rút thành bức tranh lớn. Ngốn nhiều công sức và thời gian, ai rồi cũng sẽ “chết” trước khi tìm ra sự thật (vì hết thời gian hoặc hết sức).

Nói về bản chất như vậy là đủ. Hãy lấy một ví dụ thực tế để hình dung về hai cách tiếp cận.

Nếu một mai tôi đi làm phục vụ trong một quán cà phê có thực đơn 100 món.

Với cách tiếp cận Từ-trên-xuống, tôi lướt nhanh qua thực đơn, không dừng quá lâu để ghi nhớ bất kỳ món nào nhưng đọc giới thiệu và hiểu các món để có thể nhận ra rằng:

  • Dù thực đơn có 100 món, chúng chia thành chỉ 3 nhóm chính: Đồ uống có caffeine, đồ uống không có caffeine, và đồ ăn.
  • Trong mỗi nhóm chính, sẽ có những nhóm nhóm nhỏ hơn. Cho đơn giản thì có 2 nhóm nhỏ trong mỗi nhóm lớn: Đắt khách (hay được gọi) và ế.

Chỉ vậy thì chưa đủ để làm người phục vụ, tôi bấy giờ lại tiếp tục với cách tiếp cận Từ-dưới-lên.

  • Nhờ cách nhìn Từ-trên-xuống, tôi nhận ra mình cần ưu tiên trước các món đắt khách trong 3 nhóm chính. Nếu phân phối mức độ đắt khách của thực đơn cũng đi theo nguyên tắc 80:20, thì thật ra tôi chỉ cần học 20 trên tổng số 100 món, vì 80% số lần khách gọi đơn và doanh thu tập trung vào 20 món này. Đó cho tôi một khởi đầu tốt và ít dàn trải, để khi đã thuần thục 20 món rồi tôi sẽ có đà mà xông lên học các món tiếp theo
  • Với một số ít hơn rất nhiều các món cần ghi nhớ, tôi lại dùng cách tiếp cận Từ-dưới-lên, để đi vào sâu từng món và học lấy sự đặc biệt của từng món để tư vấn cho khách hàng.

Trên thực tế, tôi phải phải người phục vụ trong quán cà phê. Tôi là một nhà khoa học dữ liệu, một nhà tư vấn để giúp mọi người dùng dữ liệu giải quyết vấn đề của họ.

Nhưng bản chất của vấn đề không khác nhau mấy, mỗi vấn đề luôn có rất hướng giải quyết. Là người tư vấn, nhiệm vụ của tôi là cho khách hàng một “thực đơn” những thứ họ có thể làm. “Thực đơn” đó có thể nhiều món và chi tiết cồng kềnh hơn rất nhiều một thực đơn đồ ăn thức uống.

Cách tiếp cận của tôi khi nhận một vấn đề mới thường là:

  1. Đọc và đọc thật nhiều: Bạn không cô đơn trên hành tinh này với vấn đề của mình, luôn từng có một ai đó gặp vấn đề tương tự, luôn đã có những người trầm tư về đáp án. Vì vậy, đừng bắt đầu từ trang giấy trắng, hãy bắt đầu bằng tìm hiểu và đọc, để điền vào trang giấy trắng của bạn bằng tích cóp những kinh nghiệm và sự thông thái của người khác
  2. Nhưng, đừng đọc quá kỹ: Hãy luôn tâm niệm là bạn không thể chỉ đọc nó một lần. Một nội dung tốt luôn khiến bạn phải đọc lại, nếu nó không đáng đọc lại, thì nó cũng chẳng đáng trọn vẹn một lần đọc đầu tiên. Khi đọc một tài liệu tôi thường đọc phần tóm tắt (Abstract) trước, khi đọc một cuốn sách kỹ thuật tôi đọc phần mục lục và giới thiệu đầu (sách văn học là câu chuyện khác). Việc này giúp tôi biết được cuốn sách có chứa phần nào cho câu trả lời tôi cần không, và vì vậy tôi nên dành thêm thời gian để đọc không. Tôi thường liệt kê những tài liệu mình xem qua trong file Excel (hoặc Notion), ghi vắn tắt vài gạch đầu dòng vì sao tôi cần xem lại và tôi có khả năng dùng nội dung này thế nào, cuối cùng tôi đánh hạng: High cho những thứ nhất định cần đọc lại, Low không cần đọc, Mid cho những thứ còn là chấm hỏi.
  3. Đọc Từ-trên-xuống: Trong một vài tài liệu được chọn vào nhóm High tôi đọc liên tiếp nhiều tài liệu, trong lượt đọc này tôi chỉ tập trung vào Sự giống nhau. Dù có mấy chục loại caffe thì chung quy chúng là sự kết hợp khác nhau của cà phê, sữa, nước theo các tỷ lệ khác nhau hoặc một vài loại phụ gia khác. Các giải pháp, các framework cũng vậy - Chúng sẽ có những cấu phần nào đó rất giống nhau về bản chất. Nhờ nhìn vào Sự giống nhau, tôi càng đọc nhiều thì sẽ càng đọc nhanh hơn, bởi cái nhau cộng hưởng, bồi đắp và lặp lại cái trước. Về cơ bản, tôi đọc lại cùng một số ý diễn đạt khác nhau trong nhiều tài liệu, nên càng đọc càng nắm ý nhanh (Như tôi vẽ ra đồ thị minh hoạ bên tay trái).
  4. Đọc Từ-trên-xuống: Tôi lại đọc một lần nữa nhìn vào sự khác biệt và suy nghĩ vì sao lại khác biệt. Thông thường sự khác biệt trong giải pháp tiếp cận đến từ các yếu tố hoàn cảnh, chính một hoàn cảnh cụ thể khiến không bao giờ có hai giải pháp giống nhau, dù về bản chất chúng giống nhau hơn ta tưởng - đều được chi phối bởi một nguyên tắc tổng thể (Universal law). Nếu ta không có bước (3) để trang bị cho mình một nguyên tắc tổng thể nhằm xâu chuỗi và hệ thống vấn đề, ta sẽ lạc lối trong sự khác biệt. Như bạn thấy ở đồ thị bên tay phải, khi nhìn vào sự khác biệt, về cơ bản não ta cố nhớ trong đầu những điểm khác nhau, và càng đọc nhiều số lượng thông tin (về khác biệt) lại càng tăng lên và ồn ào trong đầu ta.
  5. Cuối cùng, ta luôn khó chịu vì hoài nghi về sự thật. Phải nói, chính sự hoài nghi này làm khoa học phát triển, khi lớp người sau chỉ ra sai sót của người trước để nhân loài luôn trong trạng thái “tiệm cận sự thật”. Là những người bình thường, ta hiếm hoi phải nới rộng biển kiến thức loài người, vậy đừng để sự cầu toàn làm ta chậm trễ. Hãy nghĩ thế này: Trong 100 đáp án, sẽ có 20 cái siêu tệ, bạn chỉ cần biết đủ nhiều để né chừng đó ra. 80 còn lại thì có 5 cái rất tốt, còn lại thì tốt vừa đủ. Không có khác biệt mấy giữa cái rất tốt và cái tốt vừa đủ.

Mình đem mấy suy nghĩ đó chia sẻ với em, người vừa bước ra từ trường lớp, choáng ngợp trong biển thông tin, sức ép của thời gian và những thứ ta có thể làm được.

Em nhỏ bảo nó thấy hữu ích, nên mình viết lại đây cũng mong sẽ hữu ích với bạn.


🍰
Viết điều gì tiếp theo: Nếu bạn yêu thích các nội dung, bạn có thể mời mình một ly cà phê. Để cuối tuần mình sẽ ra quán gọi một ly cà phê và viết về mối quan tâm chung nào đó. Bạn cũng hãy để lại vài dòng về chủ đề tiếp theo bạn muốn mình viết nhé!

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to adangnotes.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.